29/06/2016 2907 Lượt xem 2.00

Diễn biến thời tiết năm 2016 có nhiều yếu tố bất thường

     Ông CAO VĂN THÀNH, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn 

- Thưa ông! Những năm qua thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, điều này càng thể hiện rõ trong năm 2016, đề nghị ông cho biết về những hiện tượng thời tiết cực đoan thời gian qua? 

- Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino hoạt động mạnh và kéo dài nên năm 2015 và các tháng đầu năm 2016 thời tiết khí hậu, thủy văn trên phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng diễn biến khác thường. El Nino 2014/2016 được đánh giá là một kỳ El Nino mạnh kỷ lục, có cường độ tương đương với kỳ El Nino 1997/1998. Ngoài ra, El Nino 2014/2016 là một trong những El Nino kéo dài nhất từ trước đến nay (khoảng 20 tháng). 

Tính bất thường của thời tiết được thể hiện khá rõ như trong năm 2015 nền nhiệt độ cao kỷ lục, được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử. Số liệu nhiệt độ đo đạc được trên toàn tỉnh Quảng Trị trong năm 2015 cũng đạt giá trị cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc được (từ năm 1976 đến nay). Nhiệt độ trung bình vùng đồng bằng đạt 26,50C, vùng núi đạt 23,70C và cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ từ 1-1,50C. Đặc biệt các tháng 5 và tháng 11 tại vùng đồng bằng, nhiệt độ trung bình cao hơn TBNN cùng kỳ 3,3- 3,60C, vùng núi cao hơn TBNN cùng kỳ 2,4-2,70C. Tại tỉnh Quảng Trị năm 2015, nắng nóng kết thúc muộn và đã xuất hiện nhiệt độ cao nhất đạt giá trị lịch sử (420C). 

Từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016 có một mùa đông ấm, nhưng nhiệt độ lại giao động mạnh, nhiệt độ ngày và nhiệt độ trung bình tháng giao động rất lớn. Nắng nóng xuất hiện sớm và kéo dài, lượng mưa ít, tình trạng khô hạn thiếu nước trên diện rộng diễn ra gay gắt. Tính đến nay Quảng Trị đã có 8 đợt nắng nóng, đợt nắng nóng gay gắt nhất từ 13- 17/4, trong đợt nắng nóng này nhiệt độ cao nhất tại vùng đồng bằng đạt 41,30C, vùng núi đạt 39,30C là giá trị lớn hơn giá trị lịch sử cùng thời kỳ 0,90C, độ ẩm thấp nhất phổ biến từ 30-33%. 

Từ đầu năm 2016 đến nay có 8 đợt không khí lạnh (KKL) tăng cường có cường độ trung bình đến mạnh, ngoài ra còn có 4 đợt KKL tăng cường yếu. Trong đó đợt KKL ngày 23-25/1 là đợt KKL rất mạnh gây ra một đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 24-27/1 trên địa bàn tỉnh, với nhiệt độ thấp nhất 100C, vùng núi 9,20C, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Giữa tháng 5 vẫn còn xuất hiện không khí lạnh khá mạnh ảnh hưởng đến khu vực tỉnh, gây mưa giông diện rộng, lượng mưa phổ biến 30-50 mm, có nơi lớn hơn như Cửa Việt đạt 84 mm. Các tháng đầu năm 2016 tình hình giông, lốc cũng đã xảy ra một số khu vực của địa bàn tỉnh. 

 

 Huyện Hải Lăng diễn tập phòng chống lụt bão - Ảnh: L.T


Do mưa ít làm cho mực nước ngầm suy giảm, lượng bốc hơi lớn làm cho mực nước trên các sông suối, ao hồ xuống mức thấp, mặn xâm nhập khá sâu vào vùng hạ du ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp. Tính đến cuối tháng 5/2016, mực nước hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh đều đạt mức thấp so với dung tích thiết kế. Đặc biệt các hồ như Trúc Kinh chỉ đạt 25,64%; La Ngà 36,9%, Nghĩa Hy 43,39% và Kinh Môn 39,22% so với dung tích thiết kế. 

- Hiện nay tình hình khô hạn trên địa bàn tỉnh đang diễn ra hết sức gay gắt, ông có thể cho biết những tác động tiêu cực của thời tiết trong mùa khô năm nay ở Quảng Trị ? 

- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) làm nảy sinh những hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động xấu tới mọi mặt của đời sống. Nhiệt độ cao và độ ẩm thấp tác động đến nhiều lĩnh vực sản suất nông, lâm, ngư nghiệp và đời sống sinh hoạt. Thiếu hụt về mưa kéo dài gây nên tình trạng khô hạn gay gắt. Ảnh hưởng của BĐKH làm lượng mưa biến động thất thường, mưa lớn hơn và kéo dài hơn trong mỗi đợt hoặc mưa ngắn có cường độ lớn gây ngập úng và lũ quét ở cuối mùa...Các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra nhiều hơn, mức độ ảnh hưởng cũng khốc liệt hơn mà bằng chứng chính là những thiệt hại do thiên tai gây ra trong những năm gần đây ở tỉnh Quảng Trị. 

Nền nhiệt độ tháng 6 đến tháng 9 phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,5-10C. Nắng nóng sẽ tập trung trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 7/2016. Các đợt nắng nóng năm nay khả năng không gay gắt và kéo dài như các đợt nắng nóng năm 2015. Thời kỳ từ tháng 6 đến giữa tháng 8 dòng chảy các sông tiếp tục giảm chậm, trị số mực nước thấp nhất năm sẽ xuất hiện vào thời kỳ này. Dòng chảy thượng nguồn các sông suy giảm, dẫn đến thiếu nước ở hạ du các sông tạo điều kiện cho mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Tình hình khô hạn có khả năng kéo dài cho tới khoảng cuối tháng 8/2016. 

- Được biết, sau ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino, dựbáo Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng của hiện tượng La Nina đúng vào mùa mưa bão năm 2016. Hiện tượng này sẽ tác động như thế nào đến thời tiết cả nước nói chung, Quảng Trị nói riêng trong mùa mưa bão tới, thưa ông ? 

- Kỳ El Nino kéo dài và mạnh nhất kể từ năm 1950 đã chính thức kết thúc. Trạng thái khí quyển-đại dương toàn cầu đang trở lại trạng thái trung tính (không El Nino, cũng không La Nina) trong những tháng mùa hè năm 2016. 

Các quan trắc nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương (NINO3.4) cho thấy bề mặt đại dương tiếp tục lạnh đi. Dự báo của nhiều mô hình, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 sẽ tiếp tục giảm nhanh, gia tăng khả năng xuất hiện hiện tượng La Nina trong các tháng mùa thu năm nay. Hệ quả của quá trình chuyển pha ENSO (từ trung tính sang La Nina) đối với thời tiết, khí hậu nước ta trong 6 tháng cuối năm 2016 đó là khả năng bão, áp thấp nhiệt đới sẽ kết thúc muộn, gió mùa đông bắc hoạt động sớm, mưa lũ lớn xuất hiện với tần xuất cao hơn năm 2015. 

Trên biển, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung nhiều hơn trên các khu vực giữa và nam biển Đông. Trên đất liền, khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung cao hơn từ các tỉnh Trung Bộ trở vào Nam. Năm 2016, tổng số cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng xấp xỉ và thấp hơn một ít so với TBNN, có khoảng 10-12 cơn (TBNN khoảng 12-13 cơn/năm), trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 4-5 cơn (TBNN khoảng 5-6 cơn). Quảng Trị có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 - 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Thời gian mưa bão lũ tập trung khoảng cuối tháng 8, mùa bão kết thúc muộn. Cần đề phòng những cơn bão mạnh xuất hiện và có hướng di chuyển phức tạp. 

Nền nhiệt độ tháng 6 - 9 phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,5-10C. Tháng 10 ở mức xấp xỉ TBNN cùng kỳ. Tháng 11-12 nhiệt độ thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 0.5-10C, trong đó tháng 12 là tháng lạnh nhất trong năm do không khí lạnh ảnh hưởng với tần suất lớn và cường độ mạnh, rét đậm và rét hại có khả năng xảy ra vào thời kỳ này. Thời điểm bắt đầu mùa mưa có khả năng đến muộn hơn so với TBNN. Tổng lượng mưa toàn mùa mưa lũ ở vùng đồng bằng phổ biến ở mức xấp xỉ dưới TBNN cùng kỳ, vùng núi ở mức xấp xỉ TBNN cùng kỳ. Trong mùa mưa có khả năng xảy ra 3 - 5 đợt mưa lớn trên toàn tỉnh. Thời gian mưa lớn tập trung trong khoảng tháng 10 và nửa đầu tháng 11. Mùa mưa, lũ năm 2016, khu vực Quảng Trị có khả năng bắt đầu muộn hơn TBNN. Lũ có khả năng bắt đầu từ cuối tháng 8 và kết thúc vào đầu tháng 12. Cả mùa có khoảng 3-5 đợt lũ, lũ lớn xuất hiện chủ yếu vào đầu tháng 10 đến đầu tháng 11. Đỉnh lũ năm 2016 trên các sông cao hơn đỉnh lũ năm 2015, đỉnh lũ có khả năng xuất hiện ở mức báo động 2, báo động 3, có nơi trên báo động. Đề phòng xuất hiện lũ lớn, lũ quét ở sông suối nhỏ. 

Thời tiết trên biển, vùng ven bờ có khả năng diễn biến phức tạp hơn so với năm 2015. Bão, áp thấp nhiệt đới di chuyển hướng tây sẽ gây nguy cơ nước dâng ven bờ cao hơn các hướng khác. Ngoài ra, các đợt gió mùa đông bắc mạnh kết hợp với triều cường, sóng lớn sẽ tiếp tục là nguy cơ gây ngập lụt tại các khu vực trũng ven bờ và cửa sông, đặc biệt làvào thời kỳcuối năm 2016.

Vì vậy, thời gian tới Đài Khí tượng thủy văn Quảng Trị sẽ tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin quan trắc mưa, xâm nhập mặn đồng với các đơn vị trong tỉnh như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chủ các công trình thủy lợi. Đồng thời liên tục cập nhật diễn biến khí tượng thủy văn, đặc biệt là khả năng thiếu hụt mưa, dòng chảy dẫn đến hạn hán khốc liệt và khả năng xâm nhập mặn sớm, sâu nội đồng; mưa, bão, lũ tác động xấu đến nhiều ngành sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và đời sống sinh hoạt để nhân dân nắm rõ nhằm chủ động phòng chống thiên tai. 

- Xin cảm ơn ông! 

                                                                                                          LÂM THANH (thực hiện)

Tìm kiếm

BÁO CÁO TÀI CHÍNH RIÊNG GIỮA NIÊN ĐỘ CHO KỲ KẾ TOÁN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023

BÁO CÁO TÀI CHÍNH RIÊNG GIỮA NIÊN ĐỘ CHO KỲ KẾ TOÁN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 [...]

15/08/2023

BÁO CÁO TÀI CHÍNH HỢP NHẤT GIỮA NIÊN ĐỘ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023

BÁO CÁO TÀI CHÍNH HỢP NHẤT GIỮA NIÊN ĐỘ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2023 [...]

15/08/2023

Thông báo công khai việc đấu giá tài sản năm 2022

Thông báo công khai việc đấu giá tài sản năm 2022 [...]

25/05/2022

Liên kết website

  THÔNG TIN BẢN QUYỀN


- Bản quyền thuộc về: CÔNG TY TNHH MTV CAO SU QUẢNG TRỊ

- Thiết kế bởi: VNPT QUẢNG TRỊ
Số 20 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Tp Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị

  THÔNG TIN LIÊN HỆ


CÔNG TY TNHH MTV CAO SU QUẢNG TRỊ, 264 đường Hùng Vương, Phường Đông Lương, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
- Điện thoại: 0533.852.481 hoặc 0533.854.803
- Email: caosuqtri@gmail.com

 THỐNG KÊ TRUY CẬP


Online
19

Tổng truy cập
Tổng truy cập
0